Sáng 29/9, ông Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH, nhân vật chính trong tiểu thuyết "Viên chuẩn tướng" của Nguyễn Trần Thiết, đã qua đời.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh qua đời ở Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM ở tuổi 95. Ông chính là người tác động để Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh kêu gọi các binh sĩ VNCH hạ vũ khí.
Viên chuẩn tướng kêu gọi VNCH đầu hàng
Cùng với tướng Dương Văn Minh - cựu Tổng thống chính quyền Sài Gòn và một số thành viên trong nội các của ông ta, như luật sư Triệu Quốc Mạnh - người giữ chức Chỉ huy trưởng Cảnh sát Sài Gòn từ ngày 29/4/1975, ông Hạnh đã có góp phần làm suy yếu lực lượng vũ trang của chế độ Sài Gòn trước đợt tấn công cuối cùng của quân giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Những đóng góp của các ông đã giúp giảm bớt đổ máu của cả hai bên, giữ cho thành phố Sài Gòn được nguyên vẹn cho đến giây phút quân giải phóng hoàn toàn làm chủ.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh chính là một cơ sở của Ban Binh vận Trung ương cục, và được móc nối từ năm 1963, để rồi năm 1975, ông mới có điều kiện hoạt động có lợi cho cách mạng.
Những đóng góp của ông Hạnh cũng như cuộc đời của ông đã được nhiều nhà văn viết nên thành những trang sách hấp dẫn, trong đó có cuốn Viên chuẩn tướng của nhà văn - đại tá quân đội Nguyễn Trần Thiết (NXB TP.HCM).
Nhà văn Nguyễn Trần Thiết đã viết cuốn sách kể về cuộc đời ông Nguyễn Hữu Hạnh mang tựa đề Viên chuẩn tướng.
Nguyễn Trần Thiết là một tác giả nổi danh khi viết về đề tài tình báo, với những tác phẩm được độc giả yêu thích như Gia đình biệt động, Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z, Mặt trận không tiếng súng, Ông tướng tình báo và hai bà vợ… Sau ngày miền Nam giải phóng, với lợi thế được tiếp cận, phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử và nguồn tài liệu quan trọng, ông cũng đã viết về những nhân vật ở chiến tuyến bên kia một thời, như các ông Nguyễn Hữu Hạnh, Dương Văn Minh.
Nói về tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Trần Thiết cho rằng: “Tôi đã gặp may lớn. Từ chỗ không biết gì về quân đội VNCH, tôi đã cho xuất bản Viên chuẩn tướng dày 404 trang, viết về tướng Nguyễn Hữu Hạnh - viên tướng đối phương ta đã “mua” và nuôi trong suốt 12 năm để chỉ sử dụng trong 2 ngày 29 và 30/4/1975”.
"Nuôi" tướng 12 năm dùng 2 ngày
Qua tác phẩm của Nguyễn Trần Thiết, công chúng mới biết quá trình móc nối, xây dựng cơ sở với một sĩ quan cao cấp phía đối phương cam go, vất vả như thế nào. Thậm chí, có những lúc, công sức của biết bao người còn có nguy cơ đổ sông đổ bể, khi năm 1974, ông Hạnh đang giữ chức Phó Tư lệnh quân đoàn 2 thì bị Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu cho về hưu khi mới 48 tuổi.
Chỉ khi đại tướng Dương Văn Minh lên nắm chức vụ tổng thống VNCH ngày 28/4/1975, ông Hạnh khi ấy đang hưu trí tại Mỹ Tho mới được yêu cầu lên ngay Sài Gòn, sử dụng ảnh hưởng của mình với tướng Dương Văn Minh để phục vụ cho mục đích hòa bình.
Nhà văn Hà Bình Nhưỡng, một Đại tá quân đội cũng đã viết truyện ký về viên tướng này, nhan đề Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, cũng đã ghi lại câu chuyện cảm động về việc phía cách mạng bắt mối với ông Hạnh từ một đám tang.
Đó là khi cha ông Hạnh qua đời tháng 10/1963, gia đình muốn đưa cụ về an táng tại phần đất gia đình ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.
Tuy nhiên, khu vực này lại nằm trong vùng kiểm soát của Mặt trận Giải phóng. Ông Hạnh đã nhờ người liên hệ với phía mặt trận, xin phép được thực hiện ý nguyện của cha mình. Đại diện mặt trận đã đồng ý, chỉ yêu cầu phía quân đội VNCH không được hành quân, ném bom, bắn phá trong khu vực này suốt ba ngày tang lễ.
Lúc đó, ông Hạnh đang là đại tá, giữ chức Tham mưu trưởng quân đoàn 4 và vùng 4 chiến thuật. Ông đã đề xuất lên viên Tư lệnh quân đoàn là Huỳnh Văn Cao về yêu cầu của phía Giải phóng và được đáp ứng, nhờ đó, đám tang cha của ông Hạnh đã diễn ra suôn sẻ. Từ “tín hiệu” ở đám tang này, lãnh đạo Ban Binh vận của Trung ương Cục nhất trí: “Nguyễn Hữu Hạnh là người có thể để ta “bắt mối” xây dựng cơ sở”.
Cuối cùng, nhờ thời cơ tướng Dương Văn Minh được trao quyền tổng thống VHCH, ông Hạnh đã phát huy được khả năng của mình để đóng góp cho cách mạng. Khi đó, bên phía quân đội Sài Gòn, Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên đã từ chức, tướng Đồng Văn Khuyên được bổ nhiệm thay thế cũng đã trốn ra nước ngoài, tướng Vĩnh Lộc được chỉ định làm quyền Tổng tham mưu trưởng nhưng cũng đã bỏ trốn ngay sau đó, còn ông Hạnh được bổ nhiệm làm Phụ tá Tổng tham mưu trưởng.
Nhờ vị trí này, ông Hạnh nắm luôn vị trí chỉ huy quân đội, liên lạc với các đơn vị trong quân đội Sài Gòn để ban hành các chỉ thị như không được phá các cầu trên đường vào Sài Gòn, cho những đơn vị có mong muốn rút lui được như ý. Sau khi ông Dương Văn Minh cho thu thanh và phát trên đài phát thanh lời tuyên bố buông súng để chờ chính quyền cách mạng vào tiếp thu, ông Hạnh là người đọc lệnh yêu cầu binh sĩ tuân thủ chỉ thị của tổng thống.
Những đóng góp của ông Hạnh đã được chính quyền cách mạng đánh giá cao. Sau ngày giải phóng, ông đã được bầu làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều năm liền với tư cách nhân sĩ yêu nước.
Tags: Nguyễn Hữu Hạnh Dương Văn Minh giải phóng Sài Gòn Cao Văn Viên Viên chuẩn tướng