Thay vào đó, phụ huynh cần căn cứ vào hoàn cảnh, lý do và độ tuổi của trẻ nói dối. Ví dụ trẻ dưới 6 tuổi chưa phân biệt được thực tế và tưởng tượng. Lời nói dối của trẻ có thể là biểu hiện của trí tưởng tượng phong phú.
Vậy những nguyên nhân khiến trẻ nói dối là gì, đó có thể là do giàu trí tưởng tượng, sợ hình phạt từ cha mẹ, để khoe khoang với bạn bè, tránh điều gì mà bản thân không muốn làm, mong cha mẹ không thất vọng khi bị đặt kỳ vọng quá cao, không vui vẻ với điều gì đó trong cuộc sống.
Nói chuyện với con để tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ khiến con nói dối. Ảnh: T. L.
Tìm hiểu rõ nguyên nhân: Phụ huynh cần tìm hiểu xem lý do vì sao trẻ nói dối, có phải trẻ đang kể một câu chuyện bản thân tưởng tượng, cố tình lừa dối vì không muốn bị phạt?
Nếu con bạn sử dụng trí tưởng tượng và nói dối thì phải giúp trẻ phân biệt giữa thực tế và trí tưởng tượng chứ không nên làm ảnh hưởng đến trí tưởng tượng của con.
Nếu con nói dối về một sự việc nào đó, cha mẹ cần nói cho trẻ hiểu rằng, việc nói ra sự thật sẽ làm mọi thứ tốt đẹp hơn và không có vấn đề rắc rối nào.
Đừng khiến trẻ sợ: Nếu con lo sợ phụ huynh tức giận sẽ khiến cho trẻ không nói sự thật bằng mọi giá. Điều quan trọng là cha mẹ hỗ trợ để con biết có thể nói sự thật. Các nghiên cứu cho thấy khi cha mẹ đưa ra các kiểu đe dọa hay hình phạt thì trẻ sẽ càng không nói sự thật.
Cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu rằng, nếu nói ra sự thật, ba mẹ sẽ không tức giận và việc thật thà quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
Khi con nói sự thật, cha mẹ phải lắng nghe một cách bình tĩnh. Nếu con nói ra sự thật hãy khen con có tính trung thực và bố mẹ hiểu việc nói ra sự thật không phải là điều dễ dàng.
Nói cho trẻ hậu quảhơn là hình phạt: Việc đưa ra hình thức trừng phạt khi con nói dối là kết quả từ sự giận dữ của cha mẹ, trong khi nhắc đến hậu quả của việc nói dối là cha mẹ đang muốn uốn nắn hành vi xấu của con.
Ví dụ, nếu con nói dối về hành động của mình, hãy trò chuyện với con hậu quả có thể có của hành động nói dối và trao đổi với con về một hình thức thích hợp để "chuộc lỗi" như làm công việc nhà vừa sức với con.
Không gọi con là "kẻ nói dối": Việc gắn mác trẻ là kẻ nói dối không chỉ gây tổn thương mà còn có thể tác động về mặt lâu dài đối với cách trẻ nhìn nhận bản thân mình.
Nếu trẻ được gọi là kẻ nói dối, con có thể mang suy nghĩ mình có tính như vậy và sẽ liên tục nói dối.
Nói cho con biết kỳ vọng: Cha mẹ cần nói cho con hiểu việc nói dối là điều không ai mong muốn trong gia đình. Ngoài ra, phụ huynh cần giải thích sự thật thà cũng quan trọng như các hành vi tốt khác mà cha mẹ mong muốn.Đặt bản thân vào vị trí đứa trẻ: Bậc cha mẹ nên đặt bản thân vào hoàn cảnh của trẻ nhỏ, xem bản thân có nói dối khi muốn tránh một tình huống khó xử nào đó hoặc muốn có được điều gì mà bản thân muốn hay không?
Ví dụ, khi trẻ nghe được cha mẹ nói dối là không thể cho mèo nhà hàng xóm ăn trong khi họ đi du lịch vì có người nhà ốm, nhưng thực tế do bạn không thích mèo. Điều này có thể khiến trẻ hiểu người lớn nói dối là cách để có được sự thuận lợi cho bản thân.
Việc nói dối sẽ làm mất đi sự tin tưởng: Cha mẹ cần giải thích cho con việc nói dối có thể làm ảnh hưởng đến sự tin tưởng. Phụ huynh hãy nói với trẻ rằng, con thử tưởng tượng cảm giác của bản thân khi biết cha mẹ nói dối. Và khi cha mẹ nói dối, con cũng sẽ mất lòng tin và tỏ ra nghi ngờ.
Tags: Nói dối đứa trẻ con cái cha mẹ ứng xử nói dối phụ huynh tin tưởng